Các xu hướng kiến trúc năm 2020 có thể tiếp tục tăng tốc trong năm 2021. Những xu hướng này bao gồm sử dụng vật liệu tái chế, thiết kế công nghệ cao và nhà thông minh, cộng đồng xanh và không gian sống đa chức năng. Việc ứng dụng những xu hướng này sẽ tạo ra những công trình kiến trúc bền vững và hiện đại, thân thiện với môi trường.
CafeLand - Năm 2020 là một năm then chốt của ngành kiến trúc với những tác động đáng kể lên cách chúng ta nhìn nhận về các thiết kế kiến trúc cho các không gian khác nhau. Năm 2020 đã thiết lập thành công các mô hình dự án phức hợp, đặt ra câu hỏi về các văn phòng mở, và làm dấy lên cuộc tranh luận xung quanh sự tồn tại của các căn hộ siêu nhỏ.
Khi năm 2020 sắp kết thúc, chúng ta cùng nhìn lại cách đại dịch đã thúc đẩy các xu hướng kiến trúc này và dự báo về sự phát triển của chúng trong năm 2021.
Khả năng thích ứng là xu thế chủ đạo trong ngành kiến trúc
Khả năng thích ứng đã trở nên quan trọng trong kiến trúc từ rất lâu trước đây, khi giới chuyên môn thừa nhận thực trạng khó xử của việc thiết kế kéo dài hàng thập kỷ cho các tòa nhà có thể thay đổi hoàn toàn trong một vài năm. Kinh nghiệm của năm 2020 đã tái hiện tầm quan trọng của các thiết kế linh hoạt, có thể đáp ứng nhiều tình huống không lường trước được.
Elizabeth Diller của Diller Scofidio + Renfro cho biết: “Khái niệm về tính linh hoạt là cách mà công ty thiết kế của chúng tôi hướng tới. Điều này không chỉ do dịch bệnh, mà là thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Khả năng thích ứng với biến động kinh tế, môi trường, chính trị là rất quan trọng để kiến trúc trở nên quan trọng, sôi động và kết nối được với những gì đang xảy ra”.
Sự phát triển của các dự án phức hợp
Nhiều nhà phát triển đã ưu tiên các bất động sản phức hợp ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng về sức khỏe, tạo ra tính tự chủ của các khu đô thị. Tuy nhiên, tình hình hiện tại dường như khiến mô hình này trở nên quan trọng hơn.
Stephen Coulston, thiết kế trưởng tại Perkins and Will, cho biết: “Trên thực tế, mô hình này phù hợp với những gì chúng tôi đã thiết kế trước đại dịch, và thế giới hiện tại chỉ đang chứng minh giá trị của nó”.
Kiến trúc sư Vicente Guallart, người đang thiết kế một khu dân cư có khả năng tự cung tự cấp về năng lượng và thực phẩm tại Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi không thể tiếp tục thiết kế các thành phố và tòa nhà như chưa có chuyện gì xảy ra. Các công trình có thể mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống sẽ xác định các tiêu chuẩn mới của toàn ngành”.
Các vùng dân cư nằm cách nhau 15 phút di chuyển
Khái niệm này là một phần của tư duy thiết kế đô thị bền vững, có nghĩa là tất cả các tiện nghi cần thiết phải nằm trong khoảng cách phù hợp với một chuyến đi bộ ngắn, đi xe đạp hoặc phương tiện công cộng. Chiến lược phân cấp nền kinh tế địa phương với mỗi vùng dân cư đều có đầy đủ các tiện ích của cuộc sống đô thị gồm không gian làm việc, kinh doanh, giải trí hay công viên. Ý tưởng này có từ năm 1900 và đang trở lại mạnh mẽ kể từ năm 2019, với sự ủng hộ nhiệt tình từ thị trưởng Paris là Anne Hidalgo. Còn giờ đây, một số thành phố trên khắp thế giới đã đưa ý tưởng này vào chiến lược phục hồi của họ sau đại dịch.
Tiêu chí mới cho nhà ở
Đại dịch có thể sẽ mang lại sự thay đổi về giá trị nhà ở, đặc biệt là ở các thành phố đông dân cư, nơi việc phong tỏa và kéo dài thời gian làm việc tại nhà đã cho thấy rõ những bất cập hiện tại. Áp lực nhân khẩu học và tình trạng thiếu nhà ở tại các thành phố lớn sẽ không biến mất sau đại dịch, vì vậy xu hướng nhà ở có diện tích tối thiểu cũng khó được cải thiện.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của năm 2020 chắc chắn sẽ thúc đẩy cư dân và các nhà phát triển ưu tiên không gian ngoài trời, đồng thời xác định một tiêu chuẩn sống mới cho những dự án trong tương lai. Nhìn xa hơn, các sơ đồ nhà ở và bố trí mặt bằng căn hộ sẽ trở nên linh hoạt hơn, cho phép khả năng tách biệt các khu vực chức năng khác nhau. Các không gian ngoài trời đa dạng và khu vực để làm việc tại nhà cũng sẽ được bổ sung vào dự án do nhu cầu thực tế của cư dân.
Các văn phòng linh hoạt và không gian làm việc chung
Không gian văn phòng đã thay đổi ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Còn trong suốt năm 2020, tương lai của văn phòng nằm ở tính linh hoạt của công việc. Các cuộc khảo sát cho thấy 40% nhân viên muốn làm việc tại nhà trong khoảng 40% tổng thời gian sau khi đại dịch lắng xuống. Do đó, việc xác định lại không gian văn phòng có thể có nghĩa là nhiều công ty cùng chia sẻ một không gian mà có thể dễ dàng tùy chỉnh để làm trung tâm điều phối và hợp tác, còn phần lớn nhiệm vụ được thực hiện thông qua làm việc từ xa.