Có thể tách thửa sau khi đã thực hiện việc thay đổi mục đích sử dụng đất. Quá trình này yêu cầu quy trình phê duyệt và tuân thủ luật pháp liên quan. Tách thửa giúp chủ sở hữu bất động sản chia làn đất ban đầu thành các phần tách biệt, từ đó tạo ra giá trị gia tăng và tiện ích sử dụng cho mỗi phần đất mới.
Gia đình tôi có mảnh đất thừa kế từ ông bà, đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở và nộp thuế đầy đủ. Hiện tôi đang muốn tách thửa mảnh đất này.
Khi tôi thực hiện thủ tục tách thửa thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận một cửa cho rằng đất đã chuyển đổi mục đích thành đất ở và đủ điều kiện tách thửa. Tuy nhiên, nhân viên đo đạc ở văn phòng quản lý đất đai lại có ý kiến, luật không cho phép tách thửa. Xin hỏi, trường hợp này có được tách thửa không?
Huỳnh Văn Hùng (TP.HCM)...
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Liên quan đến đề nghị của ông, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 143, Khoản 1 và Khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai; Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Tiết a Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính đã có quy định cụ thể.
Mặt khác, tại Điều 43d Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (bổ sung Điều 43d theo quy định tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017) đã quy định: “UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.
Căn cứ quy định nêu trên đề nghị ông liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp ông nhận thấy quyền lợi của mình bị vi phạm thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.