Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Gia đình tôi có kí hợp đồng mua bán nhà đất viết tay với gia đình ông Phong. Số tiền đặt cọc là 100 triệu. Hợp đồng chỉ lập 1 bản do ông Phong giữ, không có công chứng.
Tại thời điểm viết giấy bán nhà cho ông Phong, căn nhà đang được thế chấp tại ngân hàng. Ngày hôm sau khi kí kết, gia đình tôi mới làm thủ tục xóa thế chấp.
Hiện tại ông Phong đang giữ sổ đỏ và sổ hộ khẩu của gia đình tôi. Nay gia đình tôi không muốn bán nữa, và đã sang thương lượng trả lại tiền để ông Phong trả lại giấy tờ, nhưng ông Phong không đồng ý.
Nay gia đình tôi muốn lấy lại giấy tờ thì phải làm thế nào? Thủ tục và lệ phí ra sao?
Xin cảm ơn !
camvankt93@...
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội
Theo quy định của Luật đất đai (đã được sửa đổi), và văn bản hướng dẫn thi hành, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Theo điều 127- Luật Đất Đai quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước, trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã phường, thị trấn nơi có đất.
Việc gia đình chị bán nhà đất nhưng chỉ viết giấy tay, không lập thành hợp đồng và không có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nên giao dịch đó bị coi là vô hiệu, vi phạm quy định tại Điều 134 Bộ luật dân sự.
Trong trường hợp gia đình chị khởi kiện ra Tòa án và Tòa án tuyên giao dịch giữa gia đình chị và người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là vô hiệu, người nhận chuyển nhượng phải hoàn trả lại GCNQSD đất. Về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự, Điều 427 Bộ luật Dân sự quy định là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân anh bị xâm phạm.