Năm 2022, tôi đến ngân hàng để gửi tiết kiệm; tuy nhiên, nhân viên tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, nên tôi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.
Sau đó, hàng loạt lãnh đạo của doanh nghiệp đấy bị công an bắt và đang điều tra vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thông qua việc phát hành trái phiếu. Hiện tại, trái phiếu đã đến hạn nhưng không được doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán tiền gốc và lãi.
Vậy tôi phải làm gì để đòi lại số tiền đã bỏ ra? Có phải trường hợp doanh nghiệp đó phá sản (không còn tài sản để trả nợ) thì tôi bị mất toàn bộ số tiền đó hay không? – Thị Hiệp (Đồng Nai).
Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), tư vấn như sau:
Do chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra là doanh nghiệp có lừa đảo nhà đầu tư thông qua việc phát hành trái phiếu hay không. Bởi vậy, có thể xảy ra các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là đúng pháp luật, việc phát hành trái phiếu là đúng quy định thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại tiền gốc và lãi theo cam kết trước đó với nhà đầu tư.
Nếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phá sản, số tài sản còn lại của doanh nghiệp không đủ để thanh toán cho các khoản nợ thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự tại khoản 1 Điều 54 Luật phá sản 2014. Cụ thể như sau:
- Chi phí phá sản.
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp không còn tài sản để trả nợ thì coi như khoản tiền đầu tư vào trái phiếu của nhà đầu tư sẽ bị mất (đây gọi là rủi ro đầu tư), vì trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp này là hữu hạn (chỉ chịu trách nhiệm trên khối tài sản của doanh nghiệp).
Trường hợp 2: Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lừa đảo khách hàng (như là số tiền thu được từ việc bán trái phiếu không được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu) thì giao dịch mua bán trái phiếu doanh nghiệp bị coi là vô hiệu (vì nhà đầu tư bị lừa dối).
Căn cứ khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do đó, những đối tượng tham gia lừa đảo tài sản của nhà đầu tư thông qua việc phát hành trái phiếu có trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho nạn nhân (nhà đầu tư đã mua trái phiếu doanh nghiệp).
Lưu ý: Trong trường hợp này, các nạn nhân (nhà đầu tư đã mua trái phiếu doanh nghiệp) cần đến cơ quan công an trình báo cụ thể sự việc để việc điều tra của cơ quan chức năng diễn ra thuận lợi, góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân.