Việc thu hồi sổ đỏ đã cấp là quy định được thiết lập để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất. Theo quy định này, chính quyền có quyền thu hồi sổ đỏ nếu người sở hữu vi phạm các quy định về sử dụng đất hoặc không thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Việc thu hồi sổ đỏ đã cấp là biện pháp nhằm bảo đảm sự tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi công cộng.
Năm 2002, tôi mua một miếng đất tại TP.HCM nhưng không đo đạc thực tế, chủ cũ chỉ chỉ ranh cho tôi. Đến năm 2004, tôi có lập hồ sơ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ở với diện tích đất 36,8m2.
Do có nhu cầu về nhà ở, năm 2006, tôi cho con tôi 15m2 trong 36,8m2 để xây dựng nhà ở và con tôi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên Giấy chứng nhận quyền sở và quyền sử dụng đất ở đã cập nhật giảm diện tích), phần diện tích còn lại 21,8m2 vợ chồng tôi vẫn sử dụng từ đó đến giờ.
Năm 2014, chính quyền có xuống kiểm tra nhà đất và họ thông báo Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ở đã cấp sai diện tích của gia đình tôi và cấp luôn phần diện tích đất do nhà nước quản lý là 27m2 (tức gia đình tôi chỉ có 9,8m2, phần diện tích 27m2 có bao gồm phần diện tích 15m2 mà con tôi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Tôi đã giao 02 Giấy chứng nhận cho chính quyền và được thông báo sẽ thu hồi, hủy bỏ 02 Giấy chứng nhận (do cấp sai thẩm quyền) và tiếp quản đối với phần diện tích 27m2.
Theo tôi được biết Giấy chứng nhận đã chuyển quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 87 Nghị định 43 thì không được thu hồi. Xin hỏi, việc thu hồi của chính quyền như vậy đúng hay sai?
Việc cơ quan chính quyền tiếp nhận phần diện tích 27m2 có đúng quy định hay không? Nếu đúng quy định cơ quan chính quyền, trường hợp tôi xin mua lại phần đất đó được không?
Hình minh họa
Tiến Nguyễn (TP.HCM)
Trả lời:
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại Điểm d Khoản 2 và Khoản 3 Điều 106 của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai;
Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 87 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 26 Điều 1 của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ) thì Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật;
Việc xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân; người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 87 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin để bạn được biết. Trên cơ sở đó bạn liên hệ với cơ quan Tài nguyên và Môi trường nơi có đất để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định của pháp luật.